Tình Bạn
Thụy Sĩ - July 3, 2015
Nguyễn Đức Triết (Tony Nguyễn)
Trên chuyến bay về lại Cali tôi lại suy nghĩ miên man về chuyến đi chơi châu âu vừa rồi. Lần này thì tôi phải viết một cái gì đó xem như ghi nhận phần nào món nợ tinh thần của các bạn tôi từ Thụy Sĩ. Cuối năm vừa rồi các bạn khác của tôi đã không ngại đường xá xa xôi, người từ úc Châu, người từ Maryland, người từ Massachusetts … đã cất công đến dự ngày họp bạn tại nhà tôi do tôi kêu gọi. Tôi đã thầm hứa là phải viết một cái gì đó để ghi nhận nợ món nợ tinh thần này, nhưng cuối cùng thì công việc và những bận bịu trong cuộc sống đã cuốn tôi đi. Tôi đã thất hứa với chính mình. Lần này thì tôi phải quyết tâm thực hiện điều này. Không những chỉ để ghi nhợ món nợ tinh thần, nhưng tôi cũng muốn viết lên một cái gì đó để ghi nhận tình bạn, mà theo tôi đó là món quà vô giá của thượng đế (nếu có) đã dành cho nhân loại. Cũng thật là tình cờ, trong chuyến âu du kỳ này tôi đã có dịp thăm lại cô giáo đầu đời năm xưa và cũng được cô giảng giải lại về giá trị của tình bạn.
Có một điều tôi vẫn chưa thể lý giải nỗi. Đó là có những người bạn đã quá xa nhau về thời gian và không gian, thậm chí có những người “bạn” mà trước đây tôi chưa từng nói chuyện và trao đổi, nhưng khi gặp lại chúng tôi bỗng cảm thấy thân thiết vô cùng, tựa chừng như những người bạn nối khố từ thuờ nào. Những người bạn mà tôi muốn nói lên đây là Xuân Hiếu, Xuân đào, và Thu Trang.
Tôi học chung với Xuân Hiếu khá lâu, từ năm lớp 6 đến năm lớp 9 trường Phương Sơn. Tuy thế sau khi lên trung học thì hầu như không gặp gỡ hay nói chuyện với nhau, mặc dầu Hiếu học cạnh lớp tôi. Có lẽ lý do chính là vì Hiếu, theo tôi, là một người kín đáo và ít nói. Lần cuối gặp Hiếu là và năm 1984, tôi có đến dự buổi tối họp mặt với bạn bè cũ Phương Sơn để tiễn Hiếu đi xuất ngoại. Tôi cũng đã ra bến xe liên tỉnh sáng hôm sau để đưa Xuân Hiếu lên đường vào Sài Gòn và sau đó bay sang Thụy Sĩ. Xuân Đào thì tôi chưa hề nói chuyện. Tôi bi
ết Đào khi vào trung học. Lớp học Đào cách lớp tôi hai lớp. Tôi chỉ biết Đào qua một câu chuyện ngộ nghĩnh tuổi học trò. Khi vào lớp 10, các bạn lớp tôi thường cấp đôi Đình Chữ với Xuân Đào. Tôi chỉ tò mò “nghía” qua lớp bạn để biết mặt Đào mà thôi. Thu Trang thì học kề lớp tôi, và cũng như Xuân Đào, tôi chưa hề nói chuyên hay trao đổi với Thu Trang trước đây. Tôi có quen rất nhiều bạn bè trong lớp Thu Trang nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ có dịp làm quen Thu Trang. Có lẽ Thu Trang cũng thuộc típ người ít nói và kín đáo trước đây chăng (?). Tôi biết hai anh của Thu Trang còn nhiều hơn cô nàng. Các anh của Thu Trang rất đa tài nên nhiều người biết. Ngoài Xuân Hiếu không có Facebook, tôi , Xuân Đào và Thu Trang đã kết bạn với nhau trên FB trong nhóm bạn cùng trường trung học thuở xưa. Trao đổi trên FB chỉ là những lời chọc ghẹo và bông đùa qua lại mà thôi nhưng tự nhiên chúng tôi nhận ra rằng hợp tính nhau vì ai cũng thích … vui hơn buồn.
Bạn bè chỉ là vậy thôi nhưng khi nghe tin tôi sắp qua Thụy Sĩ chơi, các bạn tôi đều thật nhiệt tình. Xuân Hiếu đã soạn sẵn cho gia đình tụi tôi một cái sớ táo quân thiệt dài cho “chương trình sinh hoạt” của tụi tôi mấy ngày ở Thụy Sĩ. Xuân Đào và Thu Trang thì đã đi tiền trạm chỗ “ăn chơi” để chuẩn bị dẫn gia đình tôi đi chơi. Các bạn tôi lại có cuộc họp mặt “nháp” để bàn chuyện đón gia đình tôi. Ngày tụi tôi qua đến Thụy Sĩ, trước sự bất ngờ của tôi, tụi tôi đã gặp hai vợ chồng Xuân Hiếu đứng đón ngay cổng ra của phi trường. Xuân Hiếu đã giúp tụi tôi gọi xe về khách sạn. Sáng hôm sau vừa thức dậy thì đã có ba bạn đến đón tụi tôi ở khách sạn. Nhà Xuân đào và Thu Trang ở cách xa khách sạn tụi tôi khoảng 45 phút lái xe.
Những ngày kế tiếp là những ngày “ăn chơi” của chúng tôi. Bây giờ ngồi đây nghĩ lại về những ngày đã qua, tôi có thể đoan chắc là những ngày vui như thế trong cuộc đời tôi không phải là nhiều. Một cuộc đi chơi thật thú vị và nhớ đời. Chúng tôi trò chuyện rôm rã, tíu tít với nhau như những người bạn thời học sinh thơ ấu. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa và chia sẻ với nhau những quan tâm trong cuộc sống. Xuân Hiếu cho chúng tôi một trải nghiệm thật thú vị, một buổi ăn trưa trên tàu ở hồ Geneve. Thu Trang và ông xã đã đãi cả bọn chúng tôi một buổi BBQ ngoài trời thật ngon lành và thú vị tại tư gia, và thêm một buổi tối với món đặc sản phó mát raclette trên căn nhà nghỉ mát trên núi của hai vợ chồng. Bernard (ông xã Thu Trang) đã đích thân đun phó mát raclette để “phục vụ” từng người. Món ăn này thật cầu kỳ và công phu, làm tôi nhớ đến cảnh xúm sít bên nhau để chờ ăn bánh căn hay bánh xèo thuở nào. Sau khi ăn uống no say chúng tôi ngủ lại tại căn nhà trên núi này để sáng mai cùng gia đình Thu Trang đi thăm con đập thủy điện Grande Dixence, được cho là cái đập cao nhất thế giới trên rặng núi Apes. Chúng tôi được các bạn dẫn đi chơi đây đó và để biết thêm những cảnh vật cũng như kỳ quan của Thụy Sĩ. Ban ngày đi chơi, tối về thì tụi tôi tá túc tại nhà Đào. Tụi tôi ngủ tại nhà Đào hai đêm. Hai vợ chồng Đào dành cho chúng tôi nguyên một căn phòng thật lớn ở tầng trên hết. Nhà Đào thiệt lớn và tọa lạc trên một con đồi nhìn ra hồ Léman thật thú vị. Buổi tối trước khi chia tay, hai vợ chồng Đào đã đãi tất cả bọn chúng tôi một buổi ra phết tại nhà hàng đặc sản Tây Ban Nha.
Chỉ có ba ngày “ăn chơi” và tíu tít bên nhau nhưng tôi đã trải nghiệm sự tuyệt vời của tình bạn và lòng hiếu khách mà các bạn đã dành cho gia đình chúng tôi. Xuân Hiếu thì lúc nào cũng tất bật lo toan và dặn dò chúng tôi đủ điều. Tôi thầm phục khả năng tổ chức của Xuân Hiếu. Tôi thật sự ngạc nhiên vì Xuân Hiếu hôm nay khác hẵn với Xuân Hiếu bạn tôi năm xưa. Xuân Hiếu bây giờ là một người thật hoạc bát, năng nổ, và không hề … im lặng như xưa. Xuân Hiếu dặn dò tụi tôi từng chi tiết nhỏ tựa hồ như … mẹ lo cho con. Thu Trang thì đã gạt hết những bận rộn công việc gia đình và con nhỏ để lo cho tụi tôi hai buổi ăn tối thật thịnh soạn và một chuyến đi chơi xa. Trang đang chuẩn bị về VN nên còn trăm công nghìn việc để chuẩn bị. Với Xuân Đào thì nhìn hình ảnh Đào bận rộn và tất bật trong bếp để lo nấu nướng và gói ghém từng món đồ ăn cho tụi tôi mang đi mà lòng tôi cảm kích vô cùng. Lòng hiếu khách và sự nhiệt tình của các bạn tôi đã làm tôi thật thực sự xúc động. Không những thế, các đấng phu quân của các bạn tôi cũng đã “vào cuộc” để giúp cho chúng tôi một cuộc đi chơi và thăm thú thật tuyệt vời trên đất Thụy Sĩ.
Những câu chuyện chúng tôi trao đổi không hề giống như những trao đổi trên FB. Chúng tôi nói chuyện và chia sẻ về những quan tâm có thực trong cuộc sống. Trên đường lái xe đường dài tôi được biết thêm về cuộc sống của Xuân Hiếu sau khi rời VN. Thu Trang và tôi nói chuyện như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Chúng tôi thay phiên nhau lái xe đường dài, và trên đường đi đã trao đổi thật nhiều về gia đình cũng như cuộc sống. Tôi và Đào cũng thì kể cho nhau nghe về con cái và những quan tâm trắc trở… Tôi chỉ tiếc rằng chúng tôi không có thời gian nhiều hơn để hàn huyên.
Cuộc vui nào thì cũng đến giờ tàn. Cuộc hội ngộ nào thì cũng đến hồi kết. Chúng tôi chia tay trong bùi ngùi, và không ai có thể lý giải được vì sao sau bao nhiêu năm gặp lại mà tình bạn lại đậm đà như thế. Những giọt nước mắt lại lăn dài. Tôi chia tay Xuân Đào và Thu Trang tại nhà Xuân Đào để anh Kiên (ông xã Đào) chở ra phi trường. Xuân Hiếu thì lấy giờ nghỉ trưa tất tả đón xe lửa đến phi trường đưa tụi tôi đi. Xuân Hiếu là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi tặp tại Thụy Sĩ.
Mặc dầu không thể giải thích được nhưng tôi cũng cố gắng để tìm ra “đáp án” cho “hiện tượng” này. Một số giả thuyết tôi nghĩ ra, hy vọng sẽ có cái trúng. Phải chăng đó là tại vì chúng tôi đều ở hải ngoại, nơi mà tình bạn thật sự rất khó tìm? Phải chăng đây là dấu hiệu của sự cô đơn của người xa xứ? Phải chăng đây là dấu hiệu của tuổi già, khi mà người ta có xu hướng quay về lại sống với kỷ niệm và những người bạn ấu thơ? Phải chăng tình bạn học trò là bất diệt vì nó không vướng bận vào những lo toan cơm áo bạc tiền? Dù gì đi nữa thì tôi vẫn tin tình bạn hữu giữa chúng tôi là tình cảm thật, không màu mè, không hoa hòe, không khách sáo. Một trải nghiệm của tình bạn thật tuyệt vời. Cuối cùng, tôi cũng thầm cảm tạ FB đã giúp chúng tôi đến với nhau và đã đem đến cho tôi những người bạn tuyệt vời. Ai dám bảo bạn trên FB là bạn ảo?
Thăm Cô Giáo Đầu Đời
Luxembourg - July 8, 2015
Nguyễn Đức Triết (Tony Nguyễn)
Lần mò lái xe một đổi lên dốc đồi theo chỉ dẫn của GPS trong một khu dân cư ở ngoại ô Paris cách không xa khu Quartier Chinois (Chinatown) thuộc quận 13 bao nhiêu, cuối cùng tôi cũng lần ra được căn nhà số 42 trên đường xyz. Vì không tìm ra chỗ đậu xe kế bên nhà nên tôi phải lái lòng vòng trong xóm để tìm chỗ đậu. Cuối cùng thì tôi cũng kiếm được chỗ đậu xe trên một con đường khác, cách căn nhà số 42 không xa.
Tôi bấm chuông và đứng chờ. Trong lúc chờ đợi tôi bèn đưa mắt quan sát căn nhà và khu dân cư xung quanh. Căn nhà ba tầng khá lớn gồm có hai phần, phần bên trái có tầng trệt và phần bên phải thì tầng trệt là garage đậu xe. Phần bên phải có tầng cấp để đi lên. Tôi ước chừng khoảng 5 hay 7 bậc cấp gì đó. Căn nhà nằm trong một khu dân cư riêng biệt và yên tĩnh. Nhà này có phần bề thế hơn những nhà xung quanh. Vì có hai nút bấm chuông và có cả hệ thống camera và microphone ngay tại nút bấm nên tôi loay hoay không biết mình bấm chuông đúng cách không. Quan sát xong tôi lại suy nghỉ miên mang đến giây phút hội ngộ và tự hỏi không lẽ cuối cùng mình cũng đến đây được sao, và cuối cùng rồi cũng sẽ gặp lại người cô thân yêu đầu đời sao. Vì cô là cô giáo đầu đời nên hình ảnh của cô có một chỗ đứng không nhỏ trong tâm khảm của tôi. Khoảng cách nữa vòng trái đất về không gian và trên 40 năm về thời gian đã làm tôi vẫn chưa dám tin vào thực tại. Chuyện tưởng như chỉ trong mơ. Chỉ vài tuần trước thôi tôi còn thậm chí không biết cô còn hay không và nếu còn thì cô đang ở đâu. Nếu không có cuộc hội ngộ Hàn Thuyên năm nay và nếu bạn tôi, Nguyễn Quốc Anh, không bắt được liên lạc với chị Lan Hương và anh Tiến là hai người con của cô về dự ngày họp mặt Hàn Thuyên thì tôi không tài nào biết được cách nào tìm hiểu thông tin về cô. Sau khi có được địa chỉ email của anh Tiến, tôi liền email giới thiệu và xin phép đến thăm cô. Anh Tiến rất nhiệt tình và cho tôi tất cả những thông tin cần thiết để tôi có thể đến thăm cô.
Vẫn chưa có người mở cửa. Tôi lại bắt đầu hồi hộp và có phần nôn nao, cũng cùng cái cảm giác hồi hộp và nôn nao trên chuyến bay từ California qua London trong chuyến âu du nghỉ hè của gia đình. Tôi hồi hộp không biết giây phút gặp lại cô sẽ như thế nào. Cô có còn nhớ mình không? Cô có còn minh mân ở tuổi 82 không? Cuộc sống của cô như thế nào? Gặp lại cô sẽ nói chuyện gì?..Cả trăm câu hỏi cứ dồn dập đến trong đầu.
Khoảng cách quá xa về không gian lẫn thời gian giữa cô và tôi đã góp phần làm cho sự hồi hộp của tôi tăng lên gấp bội. Trong trí nhớ còn sót lại của một cậu học trò lớp một và đã qua trên 40 năm, hình ảnh của cô trong tôi là một phụ nữ khả ái, nói năng nhỏ nhẹ, cái nhỏ nhẹ của một thiếu phụ miền trung xuất thân từ một gia đình nền nếp. Hình ảnh của cô trong tôi là một người thầy hết hết mực thương yêu học trò và khá u buồn trong chiếc áo dài tang sổ lai. Sau này khi có thêm trí khôn thì tôi biết thêm được là lúc đó cô đang để tang chồng. Chồng cô là một thiếu tá sĩ quan quân y trong quân lực VNCH và khá nổi tiếng ở Nhatrang thời đó. Chồng cô đã mất trước đó một năm, khi cô chỉ mới 37 tuổi. Tôi còn nhớ hình ảnh cô và các con cô mỗi ngày bãi trường đều có một chiếc xe Jeep đến đón. Kỷ niệm của tôi về cô thì đã mai một rất nhiều. Tôi chỉ nhớ cô cho tôi làm liên toán trưởng ngay ngày học đầu tiên vì tôi là người hô to nhất trong lớp. Tôi nhớ có một lần trong giờ viết văn mô tả cô giáo tôi đã giơ tay hỏi tuổi cô, và từ đó tôi biết rằng cô hơn ba tôi hai tuổi. Tôi cũng còn nhớ những lời cô phê học bạ của tôi và những bài học cư xử ở đời, như ra đường thấy đám tang thì phải dỡ mũ chào chẳng hạn… Cảm giác hồi hộp và nôn nao này lại đến với tôi trong chuyến bay từ Amsterdam qua Paris, và là chuyến bay cuối cùng để đưa tôi đến thăm cô trong chuyến nghỉ hè này. Giờ đây, đứng trước nhà cô bấm chuông, cái cảm giác hồi hộp và nôn nao lại đến với tôi một lần nữa nhưng lại có phần mạnh mẽ hơn. Giờ phút gặp lại cô đã gần kề. Gia đình tôi đáp xuống phi trường Paris buổi trưa hôm qua, thứ sáu ngày 3/7. Sau khi đến khách sạn cất đồ đạc tôi liền gọi chị Lan Hương, con gái đầu của cô và cũng là người ở chung với cô, để hỏi có đến thăm cô được không. Tôi thật nóng lòng muốn đến thăm cô ngay, mặt dầu trước khi đi, anh Tiến, con trai đầu của cô, đã nhắn với tôi là nên đến thăm cô vào những ngày cuối tuần vì nhà sẽ đông đủ hơn. Trên phone chị Lan Hương cho tôi hay là nên đến thứ bảy hay chủ nhật vì những ngày đó sẽ có người mở cửa. Tôi chờ qua ngày thứ sáu và hôm nay thứ bảy tôi tìm đường đến nhà cô ngay.
Sau khi bấm hết hai nút chuông thêm một lần nữa thì một cô bé trạc 14-15 tuổi ra và mở cổng cho tôi vào. Cô bé có lẽ không rành tiếng Việt, mà tôi thì không biết tiếng Pháp nên tôi cứ theo cô bé bước qua cổng để vào sân nhà. Tôi tin là cô bé đã biết trước sự có mặt của tôi nên cứ tự nhiên mở cừa cho tôi vào và không thắc mắt gì cả. Tôi vừa vào đến sân thì có một cụ già từ trong căn phòng trệt bên trái chống gậy bước ra và tôi biết chắc rằng đây là cô Kim Lan, người mà tôi cần tìm, mặt dầu cô không còn một chút nào dáng dấp của ngày xưa. Tuy biết trước là cô đã trên 80 và đã già yếu nhưng thực sự tôi hơi ngỡ ngàng ngay giây phút đầu thoạt nhìn thấy cô. Người cô gập xuống gần như 90 độ, lưng cô cong vòng như phải chất chứa trên tấm lưng tất cả những năm tháng của tuổi già. Cơ thể người già thường nhỏ lại nhưng đối với cô thì người cô càng thấy nhỏ hơn vì cái lưng khòm của cô. Cô đi thật khó khăn, rị mọ từng bước từng bước một với sự giúp đỡ của cây gậy. Tôi bất chợt thấy xót xa trong lòng và vội chạy đến đỡ cô. Cô hỏi “em đến thăm cô đó hả?” Tôi trả lời “dạ con đến thăm cô”. Có lẽ cô không nhớ là thời tôi đi học, học trò đều xưng “con” với cô. Sau năm 75 cô còn tiếp tục dạy nên có lẽ cô cũng quen với cách xưng hô “cô, em” sau này. Cô bảo tôi lên nhà nói chuyện chơi và ra hướng đi lên tầng cấp căn nhà bên phải. Tôi ái ngại không biết sao cô có thể lên được chừng vậy bậc cấp. Cô nói là cô có thể đi một mình được. Tuy thế tôi cũng đỡ cô lên từng bậc cấp một. Cô đi đứng bình thường đã khó thì việc lên tầng cấp quả là một nổ lực không nhỏ. Sau khi lên nhà trên thì tôi kéo ghế cho cô ngồi tại bàn ăn và tôi ngồi ghế đối diện. Nhà đi vắng hết, chỉ có cô và tôi và cô cháu ngoại của cô, được cô giới thiệu là Kim ánh, con chị Lan Hương. Tôi không biết tình cờ hay cố ý mà tên lót cháu ngoại của cô và con gái cô gộp lại tạo thành tên cô.
Trái với bề ngoài dáng dấp tiều tụy của cô, cô còn minh mẫn và sáng suốt vô cùng. Hai cô cháu tôi nói chuyện râm rang gần 3 tiếng. Nếu không có cú điện thoại của vợ con tôi kêu đi đón thì không biết cuộc chuyện trò còn kéo dài bao lâu nữa. Vì muốn được yên tĩnh chuyện trò với cô nên tôi để vợ con đi thăm viện bảo tàng Louvre hôm đó để một mình đến thăm cô. Tôi không ngờ cô còn nhớ tôi và gia đình tôi. Cô hỏi thăm về hoàn cảnh mẹ tôi mất. Cô còn hỏi thăm chị tôi và anh rễ tôi nữa. Anh rễ tôi là con cô Như Nguyện, và cô kể là cô và cô Như Nguyện là đôi bạn nối khố từ nhỏ. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự sáng suốt và minh mẫn của cô, tuy cô nói là hai tháng trở lại đây cô bắt đầu quên nhiều. Trong thư tôi viết cho cô trước khi đến thăm, tôi có liệt kê ra danh sách tất cả bạn bè cùng lớp với tôi để cầu mong “vuột con tôm thì còn con tép”, hy vọng cô còn nhớ đến tôi hay ít ra cũng còn nhớ tới lớp tôi. Đã biết bao nhiêu thế hệ học trò đã qua sự dạy dỗ của cô thì việc cô quên học trò là lẽ thường tình. Huống hồ chi cô đã trọng tuổi. Tôi thật ngạc nhiên và khâm phục khi cô nói là cô nhớ hầu như hết tất cả những tên tôi viết trong thư. Câu chuyện của thầy trò tôi từ những kỷ niệm vui buồn ngày xưa rồi lại quay qua những bài học về đạo lý làm người. Tôi có cảm giác là thời gian đã quay ngược lại trên 40 năm để ngồi đó vòng tay nghe cô giảng những bài giảng về đạo lý và về công dân giáo dục. Rồi từ bài giảng đạo lý cô lại xoay qua chuyện hạnh phúc gia đình và cách nuôi dạy con cái. Tôi thực sự choáng ngợp về khả năng sư phạm và đầu óc minh mẫn của cô. Cô kể nhiều chuyện lắm. Khi kể chuyện vui thì hai cô trò cùng cười rôm rả. Chuyện vui nhất là khi đó đang dạy lớp tôi thì cô chợt nghe Bùi Chùng Huyền hét lên. Cô quay qua hỏi thì biết được là Tăng Minh Hòa ngồi kế bên tự nhiên ôm Huyền và hôn. Cô hỏi tại sao thì Hòa nói vì thấy Huyền đẹp quá nên muốn hôn. Rồi cô còn nhắc những tên khác nữa mà tôi không nhớ. Tôi vô cùng xấu hổ về bộ nhớ của mình. Cô kể lớp tôi có tên này tên kia con chánh án, con trưởng ty tiểu học…Cô còn kể con trưởng ty tiểu học dọa về mét ba vì cô đã nghiêm khắc trong lớp và ông trưởng ty tiểu học phải thân chinh đến xin lỗi…Cô nhớ lớp tôi khá nhiều vì năm đó là năm đầu tiên cô đi dạy lại kể từ khi chồng cô mất một năm trước đó. Năm đó cũng là năm đầu cô dạy Hàn Thuyên. Trước đó cô dạy trường Trung Học Trần Quốc Tuấn. Cô kể chuyện thật say sưa như một cô giáo ngày nào trên bục giảng. Cô rưng rưng nước mắt khi nhắc đến những câu chuyện buồn. Cô bảo tôi con người cái cần nhất là đạo đức và tình người vì tất cả đều những thứ khác đều là phù vân. Cô khuyên ở đời không nên đua chen, lấy hơn thiệt làm vui. Cô còn giảng về tình bạn, tình thầy trò, tình vợ chồng... Cô bảo tôi tình bạn là cao cả và trong sáng nhất. Tôi vô cùng xót xa khi cô đề cập đến chuyện vợ chồng, lỡ may có một người ra đi sớm thì cái hệ lụy nặng nề biết bao nhiêu cho người còn lại. Cô trở thành góa phụ khi tuổi đời chưa đến 40 và vẫn ở vậy nuôi con cho đến ngày khôn lớn. Cô cũng nói nhiều về tầm quan trọng của đời sống tâm linh. Cô bảo là khi cô còn sức khỏe thì khi cô đi thăm chùa, khi đi nhà thờ và cùng cầu nguyện cho một đấng thiêng liêng. Tôi vô cùng ngạc nhiên về cách suy nghĩ rất cởi mở và “hiện đại” của cô. Cô còn chỉ cho tôi cách dạy con cái, đặt biệt là con cái lứa tuổi 14-15. Cô dạy làm bậc cha mẹ thì phải thật kiên nhẫn đối với con cái, đừng bao giờ đầu hàng hay thối chí…Những câu chuyện vui buồn cứ dồn dập tuông trào giữa hai cô trò tưởng chừng không bao giờ dứt. Mặt dầu tôi chưa nói ra ý định xin phép cô để chụp hình nhưng cô đã gợi ý trước. Cô nói chụp vài cái “bóng” để gửi cho bạn bè con. Trong lúc đó thì chị Lan Hương đi làm về và tôi cũng có dịp chụp thêm vài tấm hình chung với chị. Thật tiếc là tôi không có thời gian để hàn huyên với chị lâu hơn.
Cuộc vui nào rồi cũng phải đến hồi tàn, cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến phút chia tay. Chia tay tôi, cô ôm tôi và khóc. Tôi cũng quá sức xúc động. Tuy không khóc được nhưng cục nghẹn cứ dâng tràn lên cổ. Chia tay cô, tôi bần thần suốt ngày hôm đó và mấy ngày sau nữa. Mặc dầu không nói ra và không dám nghỉ đến nhưng trong thâm tâm tôi, lần chia tay này còn mang nhiều ý nghĩa hơn là lần chia tay hơn 40 năm trước. Giờ đây, khi đang viết những dòng này, lòng tôi lại thổn thức nhớ về cô, cô Kim Lan, cô giáo đầu đời của tôi. Mặc dầu biết cô vẫn còn đó và tôi vẫn còn đây, nhưng thật sự không dễ gì có lần thứ hai điều kiện cần và đủ cho một khoảnh khắc ngẫu nhiên trong đời để có một cuộc hội ngộ như thế.